Khi nói đến đèn LED chúng ta nghĩ ngay tới việc tiết kiệm điện năng. Quả thật, khi so sánh lượng điện tiêu thụ giữa đèn phóng điện truyền thống và đèn LED thì chúng ta đều biết việc sử dụng đèn LED có thể tiết kiệm từ 40% đến 50% tùy thuộc vào chất lượng bộ đèn, tính chất và yêu cầu chiếu sáng cụ thể. Tuy nhiên, để sử dụng hiệu quả nguồn năng lượng quý giá này trong quá trình thiết kế, đấu thầu, lựa chọn sản phẩm cần phải hiểu một cách chính xác về các thông số cơ bản quyết định đến việc đưa thiết bị đèn LED lắp đặt lên lưới đèn chiếu sáng.
Như chúng ta đã biết, nguồn sáng phóng điện hiện nay đang dùng đã được chuẩn hóa quốc tế cho các loại bóng đèn có công suất 70W, 100W, 150W, 250W, 400W, 1000W và 2000W. Việc chuẩn hóa này rất dễ dàng cho việc lựa chọn công suất đèn trongquá trình tính toán, hiết kế, đấu thầu, lắp đặt hệ thống chiếu sáng. Với đèn LED, do đặc điểm cấu tạo mà mỗi hãng sản xuất đưa ra loại đèn đặc trưng với dải công suất khác nhau. Điều này phụ thuộc vào việc sử dụng công suất mỗi chip LED cũng như cách tích hợp số lượng chip LED để tạo lên một bộ đèn LED hoàn chỉnh. Do vậy, khi sử dụng đèn LED các nhà kỹ thuật khuyến cáo không nên căn cứ vào công suất đèn LED để lựa chọn mà căn cứ vào hiệu suất phát quang lumen/watt) và quang thông (lumen) của bộ đèn.
Với đèn LED có cùng dải công suất gần giống nhau thì lượng quang thông phát ra phải gần tương đương nhau để làm sao khi lựa chọn tính toán, thiết kế đảm bảo yêu cầu tiêu chuẩn đặt ra. Nếu trong hồ sơ thiết kế duyệt theo công suất cố định thì hồ sơ mời thầu nên để chỉ tiêu kỹ thuật theo hiệu suất phát quang và quang thông là cách lựa chọn đúng đắn, đảm bảo tính cạnh tranh trong đấu thầu cũng như thuận lợi trong quá trình duy tu, thay thế sau này không bị phụ thuộc vào một hãng đèn nào đó.
Ví dụ: Trong hồ sơ một dự án sử dụng đèn LED có công suất 130W. Nếu trong hồ sơ thiết kế, hồ sơ mời thầu chỉ định loại đèn có công suất này thì chỉ một hoặc một số ít hãng đèn LED sản xuất đèn có công suất đúng như vậy (tính cạnh tranh không cao). Trong khi đó, với công suất như vậy cho phép sử dụng các loại đèn LED có công suất tương đương trong khoảng ± 5% đến 10% công suất tức là 123W đến 136W và Quang thông cũng dao động trong khoảng tương ứng.
+ Nếu đèn đó có hiệu suất phát quang là 100 lumen/watt thì Quang thông tương ứng với khoảng công suất trên là 12.300 lumen đến 13.600 lumen. Khi tính toán kiểm chứng bằng phần mềm chuyên dụng với lượng quang thông trong khoảng như trên mà đảm bảo tiêu chuẩn chiếu sáng đề ra thì đèn LED đó được lựa chọn.
+ Nếu nhà thầu đề xuất loại đèn LED có hiệu suất phát quang là 110 lumen/watt mà dải Quang thông từ 12.300 lumen đến 13.600 lumen đã đảm bảo ánh sáng theo tiêu chuẩn đề ra thì công suất bộ đèn lúc này chỉ cần từ 112W đến 124W (tiết kiệm hơn so với 130W).
Như vậy, ta có thể thấy với đèn LED quan tâm tới việc lưa chọn Quang thông và Hiệu suất phát quang của bộ đèn là quan trọng và sẽ cho ta một hệ thống chiếu sáng mang lại hiệu quả kinh tế, kỹ thuật và nâng cao tính cạnh tranh trong việc cung cấp các sản phẩm đèn LED chất lượng tốt.
Hiện nay, với việc nhanh chóng nắm bắt sự phát triển của công nghệ và liên kết với Công ty hàng đầu thế giới về đèn LED là hãng Philips – Hà Lan. Công ty Hapulico đã và đang sản xuất thương mại dòng đèn LED chiếu sáng đường phố mang thương hiệu Halumos Extralight với việc sử dụng các Modul LED thế hệ mới cho hiệu suất phát quang của Modul LED lên tới 130 Lumen/watt và của bộ đèn xấp xỉ 120 Lumen/watt, cung cấp dải quang thông của bộ đèn từ 5.300 lumen đến 22.000 lumen. Như vậy, công suất tiêu thụ của bộ đèn nằm trong dải từ 50w đến 175w có thể tiết kiệm được trên 50% công suất tiêu thụ điện so với loại bóng đèn phóng điện Sodium cao áp truyền thống.